Văn Giang Hưng Yên có đặc sản gì? Top 4 đặc sản nên mua tại đây

Văn Giang Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử văn hóa mà còn được nhiều người biết đến với những món đặc sản ngây ngất lòng người. Cùng Đặc Sản Hưng Yên tìm hiểu xem vùng đất Văn Giang Hưng Yên có đặc sản gì nổi bật nhé.

1. Bánh dày làng Gàu Văn Giang

Văn Giang Hưng Yên có đặc sản gì nổi bật thì đầu tiên chúng ta cùng tìm hiểu món bánh dày làng Gàu nhé. Tại vùng đất Văn Giang Hưng Yên, món bánh dày làng Gàu đã trở thành một đặc sản gắn liền với địa danh này. Không biết nghề truyền thống làm bánh dày của người dân làng Gàu có từ khi nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu rồi, cứ đến dịp giỗ Tổ người làng lại tưng bừng giã gạo để làm nặn bánh dày cúng tổ tiên.

Những chiếc bánh dày làng Gàu được làm từ gạo nếp cái hoa vàng (hay còn được gọi với cái tên là nếp ả hay nếp hoa vàng). Nếp cái hoa vàng được trồng nhiều ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Lúa được trồng vào vụ mùa tháng 5 – 10 âm lịch. Khi thu hoạch quan trọng nhất là khâu phơi. Phải phơi trên sân gạch thay vì sân đất, nắng không được quá to hay quá nhỏ. 

Lúa phơi khô sẽ được cho vào chum đậy kín, bảo quản trong thời gian dài. Thường gạo nếp cái hoa vàng tròn, dẻo và thơm hơn so với những loại gạo nếp khác. Nó thường được dùng để đồ xôi, làm cốm hoặc làm tương, nấu rượu cực ngon.

banh-day-dau-xanh
Bánh dày làng Gàu đặc sản Văn Giang

Gạo làm bánh dày làng Gàu phải là gạo nếp hoa vàng loại 1, hạt to tròn thơm và được sàng lọc sạch sẽ. Gạo được mang đi ngâm với nước sạch, sau đó đồ lên rồi giã nhuyễn. Khi giã, người thợ bắt buộc phải giã đều tay, sau đó nặn thành những chiếc bánh dày tròn trĩnh có màu trắng tinh khôi.

Trong tất cả các công đoạn làm bánh dày thì khâu làm nhân bánh khá khó vì nó đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo và tỉ mỉ. Với phần nhân được làm từ đậu xanh được ngâm nước, đãi sạch vỏ rồi đồ chín lên. Tiếp theo mang đi giã nhuyễn và nắm lại thành những nắm nhỏ.

Khi bột và nhân được chuẩn bị xong, người thợ làm bánh sẽ cho nhân vào, nặn thành những chiếc bánh dày tròn xinh. Khi nặn sẽ cố gắng không để nhân bị lộ ra ngoài. Nếu muốn ăn nhân mặn, có thể cho thêm ít thịt nạc xay vào cùng với nhân đỗ. Nếu thích ăn nhân ngọt thì có thể cho thêm ít đường vào nhân đậu xanh là được.

Bánh dày làng Gàu có màu trắng, bánh mềm, dẻo dai, hương thơm hấp dẫn từ gạo nếp và nhân đậu xanh. Đặc biệt, điểm thú vị của món bánh này đó là nó được đặt trên lá chuối. Loại lá chuối tươi màu xanh, được cắt theo hình tròn của chiếc bánh. Món bánh giản dị nhưng đầy ý nghĩa, đặc biệt bổ dưỡng cho sức khỏe.

Bánh dày làng Gàu có hương vị riêng, được coi là sản vật quý giá của đất Hưng Yên nói riêng và của người Việt nói chung. Cứ độ Tết đến xuân về, trên mâm cỗ của người dân làng Gàu Văn Giang không thể thiếu loại bánh đặc sản này. Loại bánh khiến chúng ta tưởng nhớ đến công ơn của tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với thế hệ trước.

van-giang-hung-yen-co-dac-san-gi
Bánh dày làng Gàu thơm ngon khó cưỡng

Ngoài ra, bánh dày còn được biết đến với ý nghĩa về sự hạnh phúc và hòa hợp trong gia đình. Vì thế, trong ngày vui của các cặp đôi, người ta cũng thường hay thấy sự xuất hiện của bánh dày với mong ước những điều an lành, con đàn cháu đống.

Địa chỉ mua: 

  • Cơ sở bánh dày làng Gàu Kim Phụng
  • Địa chỉ: thôn Vàng, làng Gàu, Văn Giang, Hưng Yên
  • Điện thoại: 096 893 66 66
  • Giá: 20.000 – 25.000 VNĐ

2. Bánh tẻ – Đặc sản Văn Giang

Nhắc đến Văn Giang Hưng Yên có đặc sản gì thì không thể không kể tới bánh tẻ. Món bánh tẻ đặc sản Văn Giang, Hưng Yên được hòa trộn từ rất nhiều nguyên liệu bình dị, từ những thứ đơn giản nhất trong bữa cơm hàng ngày của người dân đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại gây thương nhớ cực mạnh cho những người đã từng thưởng thức.

Bánh tẻ (hay còn gọi là bánh răng bừa, bánh lá) được làm từ gạo tẻ, với nhân thịt lợn, hành lá, mộc nhĩ – những loại nguyên liệu hết sức đơn giản. Bánh tẻ có hình dạng của chiếc răng bừa mà bà con nông dân thường hay sử dụng khi đi làm đồng. 

Bánh ăn nóng hoặc ăn nguội đều ngon, vừa dẻo dai, vừa giòn và được nêm nếm đậm đà. Cái hay, cái khéo của bà con Văn Giang là chỉ từ nguyên liệu gạo tẻ mà có thể làm ra loại bánh dẻo mềm đến thế, dù để tới ngày hôm sau vẫn còn nguyên hương vị thơm ngon.

hung-yen-co-dac-san-gi
Bánh tẻ thơm ngon đặc sản Văn Giang

Bánh tẻ được làm qua khá nhiều công đoạn. Gạo tẻ ngon đem ngâm qua đêm rồi xay nhuyễn với nước vôi trong thành bột nước. Đem đun bột nước này dưới ngọn lửa liu riu, khuấy đều tay cho bột sánh mịn, sau khi đạt độ chớm chín (hay còn gọi là chín dở) thì bắc ra, tiếp tục khuấy đều cho bột không bị vón. Bột để nguội bớt rồi bắt đầu công đoạn gói bánh. Việc khuấy bột này dành cho thanh niên trai tráng, vì đó là công đoạn quyết định sự thành công của mẻ bánh. Bột không được chín hẳn nhưng phải đều, không sượng, không vón cục.

Nhân bánh bao gồm thịt lợn ba chỉ băm, mộc nhĩ, hành lá thái nhỏ, ướp gia vị rồi xào chín cùng nhau. Khi bột bánh đã nguội bớt, xúc từng phần lên lá dong, cho nhân vào rồi sau đó gói lại theo chiều dài xương lá dong, tạo hình như chiếc răng bừa. Chiếc bánh thuôn dài, phần giữa chiếc bánh hơi gồ lên, dùng lạt hoặc dây cuốn theo thân bánh rồi mang luộc chín.

lam-banh-te
Những công đoạn làm bánh tẻ

Bánh chín, bóc phần lá dong bên ngoài ra, phần bên trong bánh được nhuộm màu xanh của lá dong, mịn căng, thơm lừng. Khi thưởng thức, những hương vị dân dã được hòa quyện với nhau, ngon, giòn, ăn một lần là muốn ăn mãi.

Cái hay của chiếc bánh tẻ là ăn nguội nhưng bánh không bị cứng, vẫn mềm và có độ giòn nhất định, ăn mãi không chán. Đi dọc thị trấn Văn Giang và dọc con đường 39B, du khách có thể dừng xe mua vài chục chiếc bánh đem về làm quà cho người thân, bạn bè.

Địa chỉ mua: 

  • Bánh Tẻ Văn Giang Sáu Hòa
  • Địa chỉ: Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên
  • Điện thoại: 096 195 55 59

3. Bánh cuốn Phú Thị – Đặc sản Văn Giang

Nguyên liệu làm bánh cuốn Phú Thị chính là gạo tám xoan thơm ngon, đều hạt. Gạo được ngâm trong 3 tiếng, sau đó vớt ra để ráo nước rồi xay bằng cối thật nhuyễn. Nhân bánh được làm từ thịt lợn nạc ngon, sau khi rửa sạch cho vào xay nhỏ rồi xào cùng với mộc nhĩ, nấm hương, nước mắm, muối tiêu. Khi thấy thịt chín thơm, ra bớt nước và bắt đầu se lại là xong công đoạn làm nhân bánh.

Khác với sự mỏng nhẹ của bánh cuốn ở các vùng khác, bánh cuốn Phú Thị lại được tráng làm 2 lần nên dày hơn. Khi hấp chín, lá bánh mềm nhưng vẫn dẻo và dai, không bị vỡ nát là đạt tiêu chuẩn của một mẻ bánh ngon. 

banh-cuon-phu-thi
Bánh cuốn Phú Thị độc đáo

Để một chiếc bánh cuốn được hoàn chỉnh, sau khi làm các công đoạn trên, người thợ sẽ cuốn lá bánh cuốn với nhân bánh vừa xào, sau đó xếp lên trên lá chuối hoặc lá dong cho thật đẹp mắt. Sẽ kém ngon miệng khi thiếu nước chấm đậm đà được làm từ nước mắm nguyên chất, bột ngọt, giấm ớt và thêm chút thịt băm. Khi chấm chiếc bánh cuốn mềm dẻo không dính tay với nước chấm chua ngọt, ăn kèm với chút rau thơm, du khách sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon khác biệt của đặc sản Văn Giang, Hưng Yên.

Để thưởng thức món bánh cuốn Phú Thị chuẩn vị, du khách hãy ghé thăm làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Khi có khách đến ăn, chủ quán mới bắt đầu xào nhân cho nóng, cuộn vào lớp vỏ bánh một cách cẩn thận.

4. Bánh khúc – Đặc sản Văn Giang

Nhắc đến Văn Giang Hưng Yên có đặc sản gì thì không thể không nhắc đến bánh khúc. Món bánh khúc nổi tiếng với rau khúc, gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn đậm chất thôn quê, mang theo hương vị ngậy bùi trong mỗi miếng bánh, khiến bao người nhớ mãi không quên.

Bánh khúc làm từ rau khúc, một loại rau mọc ở các bờ ruộng, bờ đê. Mùa đông, rau khúc lên xanh mơn mởn, bà con thu hái về để làm ra món bánh khúc trứ danh. Rau khúc làm vỏ bánh, bọc lấy nhân đỗ xanh trộn thêm thịt và hành, đem nặn thành bánh. Thường bà con sẽ nặn bánh thành hình vuông, sau đó rắc thêm một lớp gạo nếp vào một mặt của vỏ bánh, đem bọc bằng lá chuối rồi đem đi hấp chín.

banh-khuc-hung-yen
Bánh khúc đặc sản Văn Giang trứ danh

Bánh chín, bóc lớp lá chuối, vỏ bánh có màu sắc cực đặc biệt. Một mặt là lớp gạo nếp trắng, một mặt là rau khúc hơi xám đen. Cắn miếng bánh, sự hòa trộn giữa gạo nếp, rau khúc, đỗ xanh và thịt lợn cực ngậy bùi, tỏa ra thơm ngào ngạt. Không khó để thưởng thức loại bánh này khi đến các khu chợ của huyện Văn Giang. Bánh khúc nóng được bán cực rẻ chỉ với 10.000 đồng cho một món quà quê thơm ngon.

Nếu có dịp đến Văn Giang – Hưng Yên, du khách nhất định phải thưởng thức bánh dày làng Gàu, bánh tẻ, bánh cuốn Phú Thị và bánh khúc nhé. Đặc biệt là có thể trải nghiệm tự làm bánh ở đây. Ngoài ra, khi ra về bạn cũng đừng quên mua về làm quà, biếu tặng người thân trong gia đình nhé.

Nếu bạn đang có nhu cầu mua đặc sản Hưng Yên: long nhãn, mật ong, bột sắn dây, phấn hoa,… hãy tham khảo ngay sản phẩm của Đặc Sản Hưng Yên. Chúng tôi cam kết bán hàng chuẩn chất lượng với giá cả cạnh tranh nhất thị trường. Liên hệ Hotline: 0966 086 268 để được tư vấn chi tiết. 

3/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

preloader